Đầu năm nay hãng điện tử Nhật Bản Sony đã ra mắt cặp tai nghe trùm đầu không dây cao cấp nhất của họ mang tên Sony MDR 1000X. Sản phẩm này hội tụ đầy đủ những công nghệ mới nhất dành cho sản phẩm tai nghe không dây, cũng như thiết kế sang trọng đặc trưng của hãng.
Thiết kế
Sony 1000X là một cặp tai nghe được hoàn thiện rất tốt, đem lại cảm giác chắc chắn và sang trọng ngay từ khi lấy ra từ hộp. Tai nghe được làm dạng trùm đầu lớn (Fullsize) với khung chính được làm bằng thép không rỉ cho cảm giác rất cứng cáp. Phần đệm đầu và đệm mút tai được làm bằng da mềm và rất dày dặn, cho cảm giác đeo thoải mái. Khớp nối của tai được thiết kế để có thể xoay ngang, gập vào trong để tiện cho vào hộp khóa kéo mà hãng cung cấp kèm.
Mặt ngoài tai nghe cũng được bọc da nhưng được làm cứng hơn các lớp bên trong để tránh bong và sờn. Ở các góc của tai nghe có một số lỗ nhỏ, đây chính là microphone đàm thoại và cả microphone phụ để hỗ trợ tính năng chống ồn chủ động của tai nghe. Cạnh dưới tai trái có cổng chơi nhạc bằng dây 3.5mm, các nút điều khiển gồm nút nguồn, nút tắt bật tính năng chống ồn chủ động, nút “Ambient Sound” với tính năng sẽ được đề cập ở phần sau. Mỗi nút đều được trang bị đèn báo hiệu riêng biệt. Cạnh dưới của tai phải có cổng sạc micro USB. Tổng thể thiết kế của Sony 1000X toát lên vẻ hiện đại và cứng cáp, xứng đáng với mức giá cao cấp mà người dùng phải bỏ ra.
Công nghệ
Sony là hãng đi đầu về các công nghệ trong âm thanh đã từ rất lâu rồi. Một số công nghệ của hãng rơi vào lãng quên, nhưng một số lại có tính hữu dụng cao và tiếp tục được sử dụng cho tới nay. Chính vì vậy, là một cặp tai không dây đầu bảng của hãng thì 1000X được trang bị rất nhiều công nghệ để tăng cường khả năng tái tạo âm thanh cũng như tính tiện dụng.
3 công nghệ về âm thanh bao gồm: chuẩn Hi-res, DSEE HX và LDAC. Hi-res là chuẩn dành cho các phần cứng đạt được các tiêu chuẩn mà hiệp hội thiết bị Nhật Bản đề ra, trong đó điều có thể nhìn thấy ngay trên thông số kĩ thuật là dải tần đáp ứng rất rộng của 1000X. DSEE HX là công nghệ khôi phục lại các dải tần bị mất đi trong quá trình nén nhạc lossy chất lượng kém để âm thanh đầy đủ như các bản nhạc độ phân giải cao, kết hợp với khả năng truyền tải âm thanh nhanh LDAC để giữ được toàn bộ thông tin mà nguồn phát ra.
Tiếp theo là 3 công nghệ không trực tiếp ảnh hưởng tới âm thanh nhưng lại vô cùng hữu dụng trong sử dụng thực tế đó là khả năng chống ồn chủ động và phần cảm ứng được đặt trên vỏ tai nghe. Như đã đề cập ở trên thì tai nghe được trang bị nhiều chiếc micrphone nhỏ để thu tiếng ồn ở bên ngoài, sau đó tai nghe sẽ tạo ra các âm với pha ngược lại để triệt tiêu các tiếng ồn đó. Ngoài ra hãng cũng trang bị một nút gọi là “Ambient Sound”, để người dùng có thể nghe được những tiếng động xung quanh mà không cần bỏ tai nghe ra. Mặt ngoài của bên tai phải 1000X là một mặt cảm ứng, phần này có tác dụng điều khiển âm lượng, bài hát, nhận cuộc gọi tới, bật tính năng Ambient Sound để người nghe nói chuyện và cả bật trợ lí thông minh trên điện thoại nữa. Và cuối cùng là công nghệ NFC để người dùng có thể kết nối nhanh tai nghe với thiêt bị phát mà không cần thiết lập nhiều.
Trải nghiệm thực tế
Được trang bị phần pin có dung lượng lớn nên với một lần sạc thì 1000X có thể nghe liên tới 20 giờ kể cả bật tính năng chống ồn. Đây là một con số rất ấn tượng, tôi sử dụng 1000X mỗi ngày 2 tiếng thì tới giữa tuần thứ 2 tai mới báo cần phải sạc pin. Và hãng cũng đã trang bị cho tai nghe khả năng tai nghe có dây, nên hết pin người dùng vẫn có thể cắm dây và tiếp tục sử dụng. Thời lượng pin lâu chính là một điểm mạnh của 1000X nói riêng và các cặp tai trùm đầu khác nói chung so với tai nghe nhét trong với phần pin không thể làm dung lượng lớn được.
Phần mút tai của tai nghe được làm rất dày dặn nên khả năng chống ồn thụ động của tai nghe cũng đã rất tốt rồi. Khi sử dụng thêm chống ồn chủ động thì tai nghe có thể sử dụng được ở các nơi ồn ào như ngoài đường, công viên… Tuy vậy nếu như không nghe nhạc mà bật tính năng chống ồn thì sẽ xảy ra hiện tượng ù tai, có thể thậm chí chóng mặt với những ai không quen, vì vậy nên nếu sử dụng tai ở những nơi yên tĩnh như trong nhà thì nên tắt tính năng này, vừa tạo cảm giác thoải mái vừa gia tăng thời lượng pin.
Một ưu điểm nữa của 1000X đó là độ trễ so với nguồn rất thấp, triệt tiêu được gần như hoàn toàn hiện tượng hình ảnh đi trước âm thanh khi xem phim. Vì vậy nên cặp tai nghe này không bị bó buộc là một tai nghe nhạc mà còn có thể sử dụng để xem phim, giải trí với video.
Chất âm
Khác với cách tiếp cận các tai nghe không dây mới của Sennheiser với chất âm mỏng và hiện đại, có phần điện tử thì Sony vẫn giữ chất âm tạp, ấm áp và cân bằng của các dòng truyền thống cao cấp của mình. Đây là một chất âm “an toàn” vì tạo cảm giác dễ nghe, dễ dàng sử dụng với các dòng nhạc khác nhau và cũng phù hợp với số đông những người chơi nhạc.
Phần trầm của tai nghe được làm vừa đủ lượng và hợp lí về chất, đối lập hoàn toàn với kiểu trầm bùng nổ và thừa lượng của các tai nghe dòng eXtra Bass cũng hãng. Lượng trầm không nhiều hơn PXC550 nhưng lại cho độ sâu rất ấn tượng. Âm siêu trầm (sub bass) trong bài Forget About It của Alison Krauss xuống sâu được tới những nốt thấp nhất, nhưng được kiểm soát cực kì tốt nên không bị tràn (bleed) vào các dải âm khác. Âm này cũng không bị làm ù và rền vang như các cặp tai eXtra bass mà được bó gọn trong một không gian, chơi rồi sẽ ngắt chứ không kéo dài mãi. Âm trống trầm của 1000X được làm rất mềm mại, kể cả ở đoạn trầm trung (mid bass) nên thiếu đi tính sôi động nhưng bù lại dễ nghe cho nhiều thể loại khác nhau chứ không bó gọn ở Pop hay Dance như các tai nghe dạng V-shape. Với những ai yêu thích âm trầm (bass-head) thì cặp XB950BT vẫn là lựa chọn phù hợp hơn. Nhưng với những ai nghe tạp từ Pop, Dance tới cả Ballad, Country thì 1000X lại đáp ứng được tốt hơn.
Điểm tôi thích nhất ở cặp tai nghe này đó là phần trung. Sony trong quá khứ thường bị chê ở dải này vì bị làm quá điện tử, hiện đại nên thiếu tính tự nhiên, trung thực. Thời gian gần đây hãng đã thay đổi rất nhiều trong chất âm, nhất là ở dải trung, thậm chí các cặp tai nghe dòng eXtra bass chuyên chơi phần trầm cũng có giọng ca sĩ không tệ chút nào. 1000X sở hữu chất trung ấm áp, từ tốn và không bị chói. Phần trung trầm (low midrange) chơi dày dặn, có sự rung động nên giọng nam như Avi Kaplan của nhóm Pentatonix trở nên rất nam tính, mạnh mẽ. Tỷ lệ âm hơi và âm giọng được làm rất hợp lí nên giọng ca sĩ không bị quá đậm cũng như không quá bay bổng như dòng AD cũ của Audio Technica. Phần trung này hơi màu một chút, nên không có khả năng tái tạo chính xác các nhạc cụ khi so với các cặp tai nghe có tính tham chiếu hơn, nhưng không tới mức tệ. Thử với bài Canon in C của Pachelbel, âm violin hơi nồng hơn bình thường, dày hơn, nhưng cũng vì vậy mà tăng tính da diết. Tiếng guitar thì lại hơi chậm rãi, thiếu tính bật so với các cặp tai nghe khác.
Không như PXC550 của Sennheiser với phần âm cao sáng, sắc, nhiều lượng và rất nổi bật thì Sony 1000X lại được làm phần này nhẹ nhàng hơn. Lượng âm cao nằm ở mức vừa phải, cũng như chú trọng về độ dày dặn chứ không thể hiện theo kiểu kim khí nên rất dễ nghe. Các âm chuông gió vẫn thể hiện được tính tách bạch, không bị dính chùm vào nhau nhưng khi lên cao bị hiện tượng roll off nhẹ, tạo sự thoải mái khi nghe.
Là một cặp tai nghe dạng đóng cũng như được làm rất kín để tăng khả năng chống ồn nên âm trường của 1000X cũng không thuộc dạng rộng, nhất là so với các cặp tai nghe trùm đầu dạng mở (Open back headphones). Đa phần âm thanh phát ra từ 1000X được tập trung ở trong đầu người nghe, nhưng được đặt khá thông minh nên không cho cảm giá đặc và chồng chéo, gây mất chi tiết. Độ rộng âm thanh của 1000X nằm ở mức khá, vừa đủ để tạo sự thoải mái, tạo đủ không gian để các dải âm thể hiện, nhưng cũng không quá ấn tượng.
Tổng kết
Sony 1000X có lẽ là một trong những sản phẩm đi tiên phong trong thiết kế tai nghe trùm đầu không dây cao cấp, với những công nghệ hữu dụng để nâng cao chất lượng âm thanh cũng như trải nghiệm sử dụng. Đây là một sản phẩm mẫu, chuẩn mực để các hãng khác học tập, và cũng là một cặp tai nghe đáng mua dành cho những ai thích sự tiện dụng của tai nghe không dây nhưng không muốn phải sử dụng những cặp In-ear nhỏ gọn.
Tham khảo: Nghenhinvietnam